Không chỉ đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, ngành cơ khí còn hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, mục tiêu này khó trở thành hiện thực.
Chậm đổi mới
Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, đến năm 2035, ngành cơ khí phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cụ thể, về xuất khẩu, giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng; giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%; đến năm 2035 đạt 45%.
nganh co khi loi hen muc tieu xuat khau
Sản phẩm cơ khí chưa được nhiều khách hàng biết đến
Thế nhưng, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu cơ khí đang suy giảm. Cụ thể, năm 2015, xuất khẩu cơ khí đạt 26,6 tỷ USD; năm 2016, trên 13 tỷ USD, chủ yếu là các loại thiết bị gia dụng và phụ tùng linh kiện ôtô, xe máy.
Ông Đào Phan Long – Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI) – cho rằng, thực tiễn sau 20 năm phát triển, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu với thế giới. Sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực… thua kém các nước trong khu vực.
Thẳng thắn nêu ra những tồn tại, đại diện Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) chỉ rõ, mặc dù đã sản xuất và xuất khẩu được một số sản phẩm nhưng ngay tại thị trường trong nước, DN cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Sản phẩm cơ khí trong nước chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến. Bên cạnh đó, ngành cơ khí trong nước có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký; thiết bị và trình độ công nghệ chậm đổi mới, thậm chí, nhiều DN còn thiếu đầu ra cho sản phẩm…
Cần sớm thay đổi tư duy
Để thúc đẩy ngành cơ khí phát triển, theo Cục Công nghiệp, thời gian tới, cần tạo dựng thị trường, xử lý tình trạng gian lận thương mại cũng như việc nhập khẩu tràn lan thiết bị đã qua sử dụng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế; tập trung kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp… Đây sẽ là cơ hội lớn để DN Việt Nam thay đổi đột phá về mặt công nghệ, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.
Ông Đào Phan Long gợi mở thêm, cơ khí Việt Nam muốn có nhiều đơn hàng xuất khẩu cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, chế tạo được sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài.
Về phía DN, đại diện Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) nêu ý kiến, cần có chính sách khuyến khích đầu tư, nhưng tập trung cho DN có sản xuất quy mô công nghiệp và có thương hiệu, thị trường tiêu thụ, không dàn trải.
Đi sâu vào vấn đề, tại “Hội nghị về giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí” mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư nhằm phát triển ngành cơ khí. Cụ thể, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D); hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ các dự án sản xuất lớn trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô…
Tới đây, sẽ tập trung các giải pháp nhằm thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có thương hiệu trên thế giới, dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Việt Anh (nguồn: theo Lan Anh, https://congthuong.vn)
Bình luận