News

Khai mạc Triển lãm về cơ khí chính xác và gia công kim loại

Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về máy, công cụ cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA Hanoi 2019) đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E, Hà Nội.

Triển lãm và Hội thảo quốc tế lần thứ 7 về máy công cụ cơ khí chính xác và gia công kim loại. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Sáng ngày 16/10, tại Hà Nội, với chủ đề: “Tăng cường năng lực sản xuất trong thời đại 4.0”, Triển lãm quốc tế lần thứ 7 về máy, công cụ cơ khí chính xác và gia công kim loại tại Việt Nam (MTA Hanoi 2019) đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E, Hà Nội.

Theo ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa – đại diện Ban tổ chức, MTA Hà Nội 2019 đã có những bước phát triển đáng ghi nhận qua mỗi năm, đáp ứng nhu cầu cải tiến và biến đổi liên tục của xu hướng thế giới.

Triển lãm lần này được kỳ vọng là nơi giới thiệu các sản phẩm công nghệ phục vụ nhu cầu của ngành công nghiệp cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại của các nhà cung cấp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

“MTA Hanoi 2019 chính là cơ hội để doanh nghiệp trong nước tiếp cận và hợp tác cùng các nhà cung ứng hàng đầu trên thế giới. Sự kiện có sự hiện diện của 175 đơn vị triển lãm đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Anh, Cộng hoà Séc, Đài Loan (Trung Quốc), Cộng hoà Liên bang Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia…”, ông BT Tee nói.

Tại triển lãm, nhiều doanh nghiệp với công nghệ hiện đại trên thế giới cũng mang đến các sản phẩm mới, như: Cybertech, Hasagon, Makino, Misubishi, Vạn Sự Lợi, Hitachi, Kitamura, Jinan, Bodor…

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài giới thiệu công nghệ cơ khí tại Triển lãm. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

TS Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành “công xưởng mới” của thế giới và cơ hội đặt ra càng nhiều, thách thức đặt ra càng lớn.

Bài toán với doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam chính là cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Ban tổ chức triển lãm, dự báo đến năm 2020, ngành công nghiệp cơ khí sẽ có tổng sản lượng xuất khẩu đạt 35%, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%. Đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.

Với chiến lược, tập trung phát triển một số phân ngành cơ khí như ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp và thiết bị điện, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và một phần xuất khẩu; đội ngũ lao động ngành cơ khí cơ bản có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Triển lãm thu hút 175 đơn vị tham gia. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Trong khuôn khổ Triển lãm MTA Hanoi 2019 sẽ diễn ra chuỗi diễn đàn, hội thảo chuyên ngành được tổ chức và dẫn dắt bởi các chuyên gia trong ngành công nghiệp cơ khi và chế tạo.

Đó là, diễn đàn “Sản xuất tại Việt Nam và sản phẩm Made in Vietnam”; Workshop “Tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp sản xuất trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”; diễn đàn “Triển khai nghiên cứu phát triển sản phẩm mới – Chìa khóa thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế”… 

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Comment

Call Now